Nếu bạn lặp lại sự tan vỡ trong tình yêu với những người đàn ông liên tục làm bạn tổn thương, rất có thể nó xuất phát từ một tuổi thơ thiếu tình cha mà bạn cần được chữa lành.
Người cha và những kiểu tổn thương thời thơ ấu
Chuyện tình cảm không đi đến một cái kết viên mãn là đều nhiều người gặp phải trong đời. Nhưng hãy quan sát cách bạn phản ứng với sự chia tay.
Bạn từng trải qua sự chia tay theo kiểu vật vã níu kéo bạn trai/chồng mình? Hoặc ngay lúc còn trong mối quan hệ bạn đã luôn cảm thấy bất an, thiếu tin tưởng, liên tục phải kiểm tra tin nhắn, lộ trình của anh ấy vì bạn sợ rằng rồi anh ấy sẽ bỏ rơi bạn? Nếu có những hành vi trên, rất có thể bạn đang mang Hội chứng thiếu tình cha.
Đó là hội chứng tâm lý mà phụ nữ hay mắc phải khi sinh ra và lớn lên trong gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người cha.
Sự thiếu vắng người cha có thể do hoàn cảnh gia đình ly hôn hoặc ly thân và bạn phải sống từ nhỏ với mẹ. Cũng có thể sự thiếu vắng đó do hoàn cảnh công việc khi ông thường xuyên công tác xa nhà.
Trường hợp khác có thể xảy ra khi cha bạn cùng sống dưới một mái nhà với bạn nhưng lại không dành thời gian chăm sóc bạn đầy đủ vì những tình huống đáng tiếc khác như nghiện việc, nghiện rượu bia,…
Cha của bạn cũng có thể là tuýp người yêu thương con cái nhưng gặp khó khăn trong giao tiếp và bày tỏ tình cảm, vì thế ông giữ khoảng cách với mọi người và ít chia sẻ. Đôi khi do tính ông cộc cằn và ích kỷ. Hoặc ông có những kì vọng quá cao và thúc ép con cái phải đạt được kì vọng.
Dù là trường hợp nào trong các trường hợp trên, người cha thiếu quan tâm và dành đủ tình cảm cho con cái sẽ khiến đứa trẻ có cảm giác thiếu vắng tình yêu, cảm thấy bị phủ nhận, coi thường hoặc bị ruồng bỏ.
Tệ hơn, có những người cha lạm dụng hoặc xúc phạm mẹ trước mặt con cái, và phụ nữ thường đồng nhất mình với mẹ mình khi bé, nên cha đối xử với mẹ thế nào, đứa trẻ thường có cảm giác mình cũng bị đối xử như vậy.
Những người cha hành xử như trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn thương đứa trẻ trong bạn. Và khi ấy, bạn luôn ao ước một người cha có thể:
- Dành thời gian lắng nghe và chơi với mình
- Yêu thương và tôn trọng mình
- Cảm thông và ghi nhận mình khi mình làm tốt việc nào đó
- Chu cấp cho mình những nhu cầu chính đáng (về mặt tài chính)
Những người cha không thể làm tốt những điều trên, thậm chí thờ ơ, lãnh đạm, ít dành thời gian và bày tỏ tình cảm với con gái mình, khi lớn lên, người phụ nữ có xu hướng hẹn hò với những người đàn ông ích kỷ và thiếu trách nhiệm giống cha họ. Người đàn ông đó hoàn toàn có thể đẹp trai, quyến rũ, tài năng, giàu có, nhưng họ vẫn ích kỷ.
Người cha ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ hiện tại
Nếu bạn trải qua tuổi thơ thiếu tình yêu thương của người cha, bạn có thể bị ảnh hưởng tới cách thiết lập mối quan hệ yêu đương hiện tại theo nhiều cách. Ví dụ như:
- Bạn cảm thấy hoang mang, sợ hãi nếu có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ người yêu đang rời xa mình. Vì dấu ấn sâu trong tâm về việc bị người cha bỏ rơi mơ hồ quay trở lại trong kí ức bạn, làm bạn bị căng thẳng, lo lắng. Đó là ấn tượng về việc bị bỏ rơi, bị từ chối, rằng bạn chưa bao giờ đủ thu hút để giữ một người đàn ông bên mình.
- Bạn có xu hướng yêu một người đàn ông có nhiều đặc điểm giống cha mình. Đó là cách tâm lí cố tái hiện lại hoàn cảnh trong kí ức tuổi thơ và cố “sửa chữa” lại kết quả trong quá khứ. Bạn sẽ cố gắng quay mòng mòng để thu hút sự chú ý và giữ chân người yêu. Đáng tiếc là bạn cần nhận ra hình mẫu đó đã SAI ngay từ đầu, vì những người đàn ông giống cha bạn cũng sẽ mang những vấn đề tương tự về việc thiếu gắn kết, thiếu trách nhiệm trong hôn nhân hoặc không có khả năng làm người phụ nữ của họ cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Vòng lặp này chỉ dừng lại khi bạn biết vấn đề nằm trong tâm mình và phải tự chữa lành nỗi đau trong chính bạn. Khi đó, bạn sẽ ngừng bị thu hút bởi những người đàn ông giống cha bạn.
- Bạn có xu hướng yêu một người đàn ông cho bạn nếm trải cảm giác tổn thương, bất an, dày vò như cách bạn đã quen khi bé với cha bạn. Theo tâm lý học, bằng cách yêu người giống cha bạn, đứa trẻ bên trong bạn lại tiếp tục tái hiện lại lối sống quen thuộc thời thơ ấu. Dù nó tệ nhưng nó quen thuộc và bạn cho rằng mọi mối quan hệ đều như vậy, nên bạn không tin chuyện tình cảm sẽ tốt hơn nếu bạn từ bỏ người đàn ông này.
- Bạn có xu hướng đòi hỏi người yêu bạn phải có trách nhiệm bảo bọc bạn, chi trả mọi khoản tiêu của bạn hoặc chăm sóc bạn theo cách đặc biệt mà cha bạn từng làm. Dẫn đến các đòi hỏi phi lý hoặc biến mối quan hệ thành đồng phụ thuộc. Người yêu bạn sẽ phát hoảng vì anh ta muốn ở bên một người phụ nữ trưởng thành, chứ không phải một đứa trẻ hay đòi hỏi. Bạn muốn anh ta phải yêu bạn vô điều kiện, không bao giờ rời bỏ bạn. Vì đó là cách gia đình yêu thương nhau, như cách cha bạn làm. Do đó những người phụ nữ rơi vào kiểu này dễ có xu hướng trầm cảm hoặc tự tử sau chia tay vì không thể chấp nhận một thực tế rằng người yêu đã rời bỏ họ. Đó là một cú shock quá lớn.
Về cơ bản, trên đây là những xu hướng mà tình cha con không được đáp ứng đúng cách khi nhỏ sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới tình yêu của bạn khi trưởng thành.
Từ bỏ hình ảnh “cô con gái nhỏ bé”
Khi bạn nhận ra chuyện tình cảm của mình đang bị ảnh hưởng bởi kí ức về người cha, bạn nên làm gì? Nguyên tắc là: buông bỏ hình ảnh người cha + tự bù đắp lại những thiếu hụt tình cảm cha con thời thơ ấu.
Nếu các bạn từng xem phim hài How I met your mother, bạn sẽ nhớ nhân vật Robin. Từ nhỏ bố cô luôn coi cô là con trai và nuôi dạy cô theo cách một bé trai cần. Khi lớn lên, Robin bị ám ảnh bởi sự khao khát ghi nhận từ người cha, thèm khát một lời nói “yêu con” từ cha mình, nhưng lại vô cùng khó khăn để đón nhận một lời yêu nghiêm túc, chín chắn, chân thành từ những người cô hẹn hò.
Những tổn thương về tâm lý trong mối quan hệ cha con rất khó để có thể đo lường. Nếu vòng lặp yêu một người giống cha mình tái diễn và bạn luôn thấy tổn thương, tốt nhất hay tìm gặp một bác sĩ tâm lý hoặc một chuyên gia chữa lành, người có thể giúp bạn một cách chuyên nghiệp.
Dấu hiệu khi bạn trưởng thành về mặt cảm xúc, bạn không còn là “cô gái bé bỏng” nữa, bạn sẽ nhìn về người yêu/chồng mình là một người đàn ông bình thường, không phải là một con ác quỷ, cũng không phải là một anh hùng nữa.
Một người bạn của mình luôn cảm thấy khó hiểu về người đàn ông mà bạn đang hẹn hò, dù cho bạn có dành bao nhiêu thời gian bên anh, quan sát và cố thấu hiểu anh ta. Rồi sau này, trong các câu chuyện, mình nhận ra bạn ấy cũng luôn tò mò và mơ hồ về cha mình. Khi nhỏ, dù sống với cha nhưng cha bạn vì đặc thù công việc luôn đi công tác xa. Lúc ở nhà thì ông ít nói và lặng lẽ. Gia đình bạn hầu như không giao tiếp với nhau nhiều. Do đó, bạn cảm thấy không thoải mái khi hỏi chuyện và tâm sự thân mật với người yêu. Chỉ luôn giữ mọi câu hỏi trong đầu một cách nhẫn nại, lặng im. Đến một lúc nào đó, người đàn ông ấy nói chia tay và rời đi nhưng bạn chưa bao giờ kịp biết lý do vì sao, có điều gì bạn ấy làm chưa đúng?
Bài thực hành Viết chữa lành cho “cô gái bé bỏng” bên trong bạn
Có lẽ bạn đã từng nghe đến Viết chữa lành, một liệu pháp giải tỏa cảm xúc và đè nén tâm lý qua viết lách. Nó đã được khoa học chứng minh thực sự mang lại hiệu quả.
Sau đây là một bài tập viết chữa lành nho nhỏ dành cho bạn. Hãy chuẩn bị một không gian dễ chịu, thư thái để viết. Tắt chuông hoặc mạng xã hội để bạn được tập trung tinh thần. Chuẩn bị giấy bút hoặc viết trên máy tính, miễn là bạn thấy thoải mái.
Lưu ý:
- Bạn có thể viết trả lời hết mọi câu hỏi dưới đây hoặc chia nó làm nhiều buổi, miễn là bạn cảm thấy thoải mái.
- Không nhất thiết phải viết theo thứ tự câu hỏi gợi ý. Cứ bắt đầu viết bất cứ câu nào bạn thấy thoải mái nhất.
- Hãy can đảm viết ra chân thật nhất mọi cảm xúc vì bạn là người duy nhất đọc nó và có thể hủy đi bất cứ khi nào bạn muốn. Bản thân quá trình viết đã giúp bạn giải tỏa rất nhiều rồi!
Thực hành viết chữa lành
1. Hãy viết miêu tả về người cha của bạn.
2. Hãy kể về cách ông nuôi dưỡng, chu cấp và chăm sóc, thể hiện tình cảm với bạn
3. Hãy miêu tả những điều mà bạn cho rằng ông đã từng làm tổn thương bạn hoặc bỏ rơi bạn
4. Miêu tả cách mà bạn mong muốn cha bạn chăm sóc, đối xử với bạn
5. Bạn có biết gì về tuổi thơ của cha bạn? Hãy kể về những gì bạn biết.
6. Miêu tả về cha bạn khi bạn còn là một cô gái nhỏ
7. Miêu tả về cha bạn khi bạn còn là một cô gái ở tuổi vị thành niên
8. Miêu tả về cha bạn khi bạn đã trưởng thành
9. Kể lại cách bạn đã đối xử với cha mình khi nhỏ
10. Kể lại cách bạn đối xử với chồng/người yêu mình hiện tại
11. Hãy miêu tả về người bạn yêu hoặc từng hẹn hò. Kể về những đặc điểm hoặc hành vi bạn thấy họ giống cha bạn
12. Hãy mô tả điểm họ khác cha bạn
13. Mối quan hệ hiện tại giữa 2 cha con bạn như thế nào trong hiện tại? (Trong trường hợp cha bạn đã mất, bạn có thể bỏ qua câu này)
14. Theo bạn, bạn có thể làm những cách nào để buông bỏ những cảm xúc ám ảnh về cha mình, để tự do yêu thương trong hiện tại theo đúng cách của bạn.