Viết cho những giảng viên trẻ “khác biệt” như tôi!

Sau những năm tháng trên giảng đường, tôi nhận ra sư phạm là một trong những môi trường chú trọng XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG nhất. Điều mà khá xa lạ với tôi.

Quan điểm sống của tôi đơn giản lắm: “Hãy luôn là chính mình.

Một quan điểm khác khiến tôi trở thành kẻ “kì dị” hơn trong giảng đường là: “Hãy công bằng với tất cả mọi người!“.

Do đó tôi cư xử với các giảng viên như thế nào, tôi cũng thể hiện sự tôn trọng tương tự với sinh viên. Tôi yêu mến đồng nghiệp như thế nào, thì tôi cũng thể hiện tình cảm đó với sinh viên.

Và rất nhiều lần tôi bị đồng nghiệp, thậm chí người trong gia đình nói rằng: Đừng như thế, “nhờn chó, chó liếm mặt”. (Các bạn có thể gọi sv với danh từ đó sao?!)

Phải thừa nhận tôi cảm thấy chút tổn thương. Vì những quan điểm giáo dục của tôi không được ủng hộ, ngay cả với người trong gia đình.

Nhưng tôi tin vào điều mình đang làm.

Ảnh: @creativemarket.

Tôi tin sinh viên cần tình yêu thương, sự tin tưởng nhiều hơn kỉ luật và răn đe. Tôi tin rằng người trẻ cũng cần tôn trọng như người già. Tôi tin rằng vấp ngã cũng là điều cần thiết để người trẻ trưởng thành, nên hãy bao dung hơn với sai lầm của họ. Và cần cho họ một lối về. Thay vì vĩnh viễn đánh giá họ dựa trên những sai lầm trong quá khứ.

Tôi đã từng đọc cuốn sách Trường xanh của Thakur S. Powdyel, cựu Bộ trưởng Giáo dục Bhutan, và hoàn toàn đồng ý với ông về quan điểm cởi mở, nhân văn hơn về giáo dục. Chúng ta không thể chỉ chăm chăm nhìn vào thành tích mà cần nhìn vào cả những bình diện phát triển khác của thế hệ trẻ như tinh thần và đạo đức.

Tôi cho phép sinh viên được nói lên tiếng nói của chính mình, dù nó có thể đi ngược lại suy nghĩ của tôi.

Tôi cho phép các em được tự do chọn đề tài bài tập, dự án yêu thích thay vì chỉ có duy nhất 1 đề bài chung cho cả lớp.

Tôi cho phép các em có cơ hội tự soạn, chấm bài cho chính mình, tự đánh giá, thảo luận bài trước khi tôi gợi mở, hướng dẫn thêm. Và không có đúng, sai nào, quan trọng là giải pháp các em có phù hợp với vấn đề cần giải quyết.

Tôi cho phép các bạn gọi tôi là “chị” thay vì là “cô” ngoài giờ học, nếu điều đó khiến cách em cảm thấy gần gũi, thoải mái hơn. (Điều thật kì lạ lại bị các giảng viên khác cho rằng “hỗn xược”)

Tôi cho phép các em có thể làm bài luận hoặc bài tập thay thế cho buổi vắng trên lớp, để chứng minh các em vẫn có tự ôn bài, nghiên cứu tại nhà, thay vì quyết định cho các em học lại.

Tôi cho phép các em gọi điện cho tôi khi cảm thấy bối rối, hoang mang hoặc trầm cảm và cần một sự giúp đỡ mà không biết ai có thể lắng nghe.

Ảnh: Los Mejores.

Tôi viết điều này vì tôi luôn tin rằng ở ngoài kia, có những giáo viên, giảng viên cũng nghĩ giống tôi. Để họ nếu đọc được, không cảm thấy đơn độc về mặt phương pháp làm việc, như tôi từng.

Giờ đây, theo năm tháng, tôi vẫn thấy mình rất ổn. Những điều tôi cho phép sinh viên làm, và những trải nghiệm quý báu của chính mình để không cho phép mọi thứ đi quá giới hạn và làm xáo trộn cuộc sống riêng của tôi.

Tôi thừa nhận có những lúc chúng tôi cùng thất vọng, cùng hiểu nhầm, cùng vô tình làm tổn thương nhau. Nhưng sau tất cả, chúng tôi bằng cách nào đó lại có thể thẳng thắn trao đổi, thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn cho nhau.

Tôi vui vì đã sống và làm việc theo đúng quan điểm, niềm tin của chính mình. Tôi vui vì sinh viên vẫn trân trọng những kỉ niệm chúng tôi từng có bên nhau, chân thành yêu mến tôi và luôn tin tưởng gọi tôi khi cần chia sẻ điều gì. Không hề có những tổn thương, hay rủi ro như nhiều người từng lo sợ cảnh báo với tôi!

Thật ra đôi khi tổn thương trong tôi đến từ việc bị đồng nghiệp đàm tiếu và reo rắc tin đồn về mối quan hệ thầy trò giữa chúng tôi. Qua họ, những nỗ lực tôi làm vì bài học, vì tri thức, vì sinh viên bị bóp méo một cách phi lý và thảm hại.

Nhưng sau hơn một năm chữa lành, thiền và những bài học tâm linh giúp tôi vững vàng hơn rất nhiều. Và thậm chí bây giờ tôi chả bận tâm gì với tất cả những ai đang phản đối cách tôi làm trên giảng đường.

Tôi chỉ thấy luôn hạnh phúc. Khi tôi trên lớp với các bài học mới và lớp sinh viên mới. Tôi cảm thấy đủ đầy sâu sắc. Mỗi khi tôi trao được gì có giá trị với sinh viên. Đặc biệt là niềm tin để các em tự tin vào tiềm năng của chính mình. Từ đó, tôi luôn hạnh phúc với nghề giáo, dù mức lương của nó không thể giúp tôi giàu.

Rồi cái ngày chấm dứt mọi ấm ức và áp lực cũng tới. Khi tôi có cơ hội chuyển trường đến một trường đại học mới có môi trường hội nhập quốc tế tốt hơn, nơi có sinh viên và giảng viên nước ngoài đến học tập và làm việc. Suy cho cùng, có lẽ tôi có một “hạt” tốt nhưng gieo trồng ở một nơi không thích hợp. Ở nơi mới này, những điều tôi tâm huyết được Nhà trường và các giáo viên, chuyên viên, cán bộ ủng hộ, khuyến khích!

Tôi chỉ muốn chia sẻ thành tâm một điều đến với bạn, nếu bạn cũng là một người thầy: Hãy yêu thương và tin tưởng thế hệ trẻ. Điều đó quan trọng hơn cả những bài học trong sách giáo khoa/giáo trình!

Nếu bạn không phải là một người làm trong ngành giáo dục, tôi mong rằng bạn luôn ủng hộ và bao dung hơn với những người thầy. Vì họ thực sự là người chèo đò đầy trăn trở, với nhiều trách nhiệm và áp lực của xã hội trên vai.

Yêu thương nhiều!

XOXO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *