Có hai điều nguy hiểm thường xảy ra với người yêu sách. Một là quá mải mê vào thế giới trong sách mà quên đi thực tiễn cuộc sống. Hai là khi đọc thì rất chú tâm nhưng đọc xong quên hết, không áp dụng được vào đời mình để cải thiện chất lượng sống.
Mình sẽ chia sẻ với các bạn yêu sách 3 phương pháp mà mình đã sử dụng giúp sách trở thành người bạn đắc lực trong cuộc sống hạnh phúc của mình.
1. Tạo sơ đồ tư duy
Cách này nên dùng với sách self-help, sách cung cấp tri thức mới, sách chuyên ngành,… Mục tiêu quan trọng nhất đối với những cuốn sách này là cung cấp một kiến thức mới đến cho ta. Làm sao để ta đọc đến đâu, thấm sâu đến đấy, đọc xong ứng dụng được ngay vào cuộc sống của mình. Làm được như thế mới là không lãng phí thời gian đọc.

Trước khi bạn lao vào đọc nó như đọc một cuốn tiểu thuyết, hãy tự vấn bản thân trước. Hỏi rằng trước khi đọc “tôi đã biết những gì về kiến thức này”. Nếu được bạn nên vạch ra nháp một sơ đồ tư duy (mind map) hoặc phác thảo mọi ý hiểu của bạn về vấn đề trước đã. Nếu được hãy làm nó trên một trang giấy thôi. Để bạn tự tổng kết điều đã biết trong mình trước khi mở mang, bổ sung thêm từ cuốn sách. Rồi sau đó bắt tay vào đọc.
Khi đọc, đến đoạn nào mới bạn viết bổ sung thêm trên mind map của bạn (khuyến khích bạn dùng màu mực khác để phân biệt với kiến thức bạn viết ra trước đó).
Sau khi kết thúc mỗi cuốn sách, hãy lưu giữ mind map đó vào một cuốn số tự học về kiến thức, lĩnh vực đó nhé. Có thể sẽ đến lúc bạn cần nhớ lại tóm tắt nội dung cuốn sách, hoặc điểm qua lại vấn đề mình đã đọc.
Với cách này, khi bạn đọc khoảng 10 cuốn trở lên, bạn sẽ có 1 tập hợp mind map vô cùng phong phú, vững vàng cho tri thức của mình về mảng lĩnh vực đó rồi đấy!
2. Đối thoại với sách
Bạn cần luôn đặt câu hỏi và tự trả lời cho chính mình với mối vấn đề quan trọng được nêu ra trong sách. Cách này có tác dụng liên tục kích thích tâm trí bạn suy nghĩ, phân tích, nhìn nhận lại bản thân và tương tác mạnh mẽ với sách. Nó phù hợp với mọi loại sách bạn đọc, ngay cả đó là tiểu thuyết hay truyện tranh.

Ví dụ, bạn đọc đến đoạn nhân vật luôn từ chối những lời mời hoặc đề nghị của mọi người xung quanh, bất kể đó là lời mời gì. Bạn thấy ấn tượng với chi tiết này thì có thể dừng lại một chút tự hỏi: “Liệu mình có vô tình cư xử giống nhân vật này không nhỉ? Mình đã từng từ chối một cơ hội nào mà sau đó mình rất hối tiếc?” hay “Tại sao mình lại băn khoăn về chi tiết này thế nhỉ?”.
Hoặc đối với sách self-help nói về việc bạn cần quản lí thời gian, hãy tự hỏi tại sao và mình đã quản lí thời gian tốt chưa? Điều gì mình đã làm khá giống với hướng dẫn trong sách? điều gì mình cảm thấy không ứng dụng được lời khuyên của sách? tại sao?”.
Việc đối thoại liên tục với những đoạn bạn quan tâm hoặc ấn tượng trong sách có thể làm chậm quá trình đọc sách lại, nhưng làm việc đọc của bạn chất lượng và hữu ích hơn rất nhiều.
3. Viết review hoặc tóm tắt lại sách

Nếu bạn là người yêu sách, chắc bạn hứng thú với phương pháp này. Từng có quan điểm cho rằng việc học tốt nhất chính là đi dạy lại kiến thức đó cho người khác. Việc đó làm bạn vừa tự ôn kiến thức lại một lần, vừa phải tự hiểu sâu để có thể truyền đạt lại cho người khác một cách mạch lạc. Bạn có thể tạo một blog hoặc một podcast riêng cho mình để mỗi lần đọc xong một cuốn sách, bạn có thể phản hồi ý kiến đánh giá của mình hoặc tóm tắt lại sách cho mọi người.
Việc này vừa giúp bạn củng cố lại nội dung cuốn sách, vừa giúp bạn có thêm một thú vui ý nghĩa, giúp ích cho cộng đồng.
Chúc bạn thành công nhé!
Yêu thương,
XOXO
I was pretty pleased to discover this great site. I need to to thank you for your time for this particularly fantastic read!! I definitely appreciated every part of it and I have you book marked to see new stuff on your blog.